Nhà đầu tư nước ngoài thường mua số lượng vừa phải, sau đó bán ra với số lượng rất ít để tích lũy dần cổ phiếu.
Thị trường nhà đất lấp ló tín hiệu khởi sắc nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn biến động thất thường. Trong khi nhà đầu tư (NĐT) trong nước bán cổ phiếu BĐS thì NĐT nước ngoài lại tích cực thu gom.
Chọn lọc doanh nghiệp
Những phiên giao dịch gần đây cho thấy NĐT nước ngoài chọn lọc cổ phiếu của một số doanh nghiệp BĐS để gom hàng. Đơn cử phiên giao dịch ngày 13-7, NĐT nước ngoài mua ròng các mã SJS (Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà), NTL (Công ty Phát triển nhà đô thị Từ Liêm), SD7 (Công ty Cổ phần Sông Đà 7)…
Nếu tính từ ngày 8 đến 10-7, tại sàn HoSE, NĐT nước ngoài đã mua hơn nửa triệu chứng khoán SJS, bán ra hơn 20.000 cổ phiếu. Tương tự, NĐT nước ngoài mua 11.000 cổ phiếu NTL. Trên sàn HNX (Hà Nội), NĐT nước ngoài gom vào 62.800 cổ phiếu SD7 và không một cổ phiếu nào được bán ra…
Nhiều người thường xuyên theo dõi cổ phiếu BĐS cho biết NĐT nước ngoài thường mua vào với số lượng cổ phiếu vừa phải, kéo theo sức mua của nhiều người khác, sau đó họ lại bán ra nhưng số lượng ít hơn số đã mua.
Động thái này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến giá cổ phiếu của khoảng 50 doanh nghiệp BĐS tăng, giảm theo hình răng cưa. NĐT nhỏ lẻ trong nước nản lòng phải bán ra. Khi đó, NĐT nước ngoài lại mua vào. Và mỗi đợt như thế họ tích lũy dần cổ phiếu.
Tăng tỉ lệ sở hữu
Một số ý kiến cho rằng NĐT nước ngoài nhìn thấy doanh nghiệp BĐS có vốn Nhà nước trên 50% đang chiếm ưu thế vì những doanh nghiệp đó sẽ hưởng lợi từ chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ.
Điều này thể hiện khá rõ khi họ thu gom cổ phiếu, tăng dần tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ tại SJS lên 26,5%, SD7 25%, VCG (Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam) 14,8%,… (số liệu ngày 10-7).
Theo giới phân tích, một số doanh nghiệp BĐS đang có lợi thế về lâu dài. Hiện SJS đã đầu tư khoảng 180 tỉ đồng vào các dự án lớn ở Hà Nội. Đặc biệt, sau khi rót 765 tỉ đồng khu đô thị mới Nam An Khánh (Hà Nội), SJS đã huy động thành công 500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn cho dự án Nam An Khánh, chứng tỏ các NĐT kỳ vọng SJS khá dài hơi.
Trong khi đó, NTL có thu nhập dự kiến gần 17.000 đồng/cổ phiếu, tính ra mức lãi khi đầu tư vào NTL gấp đôi lãi suất ngân hàng. SD7 cũng có doanh thu chủ yếu từ các dự án nhà ở.
Nhiều người thông thạo thị trường khuyến cáo, chỉ cần thanh khoản nhà đất tăng lên, một số doanh nghiệp BĐS sẽ thắng lớn. Tuy thời điểm này, giá cổ phiếu BĐS tăng, giảm thất thường nhưng nếu NĐT trong nước thiếu kiên nhẫn bán cổ phiếu mà cổ phiếu đó đang là đích ngắm của NĐT nước ngoài sẽ bất lợi trong tương lai. Đơn giản vì khi thị trường nhà đất sôi động thì trước đó cổ phiếu ngành BĐS đã nóng sốt.
Tầm nhìn xa
Mới đây, tại hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng ngành BĐS đang có chuyển biến tích cực và tăng trưởng trở lại, nguyên nhân là giá vật liệu xây dựng đã giảm, lãi suất thấp.
Mặt khác, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình nâng cấp đô thị quốc gia với khoản đầu tư lên đến 175.000 tỉ đồng; yêu cầu Bộ Xây dựng lập đề án thành lập tập đoàn xây dựng, nhà ở do các tổng công ty làm nòng cốt để điều tiết thị trường nhà ở.
Doanh nghiệp BĐS trực thuộc các tổng công ty đó sẽ có lợi thế về vốn, quỹ đất…, phần nào lý giải vì sao NĐT nước ngoài tập trung thu gom cổ phiếu doanh nghiệp BĐS có vốn Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn.
NLĐ